Hà Lan

NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ VỀ CON NGƯỜI HÀ LAN  

06/07/2024

Mỗi quốc gia đều có văn hóa, lối sống riêng khác nhau. Và Hà Lan cũng vậy, con người nơi đây khiêm tốn, thẳng thắn, thân thiện những điều đặc biệt đó đã trở thành thương hiệu vững chãi tồn tại suốt nhiều thế hệ.

 “When in Rome, do as the Romans do” –  Nhập gia tùy tục

Vậy, để tránh tình trạng “sốc văn hóa” khi đến vùng trời mới, hãy cùng IEEP tìm hiểu những văn hóa, lối sống và tính cách của con người tại xứ sở xinh đẹp này nhé!

1.  Ngoại hình

 Người Hà Lan nổi tiếng là những người có ngoại hình to lớn, nguyên nhân của việc đó chủ yếu là do gen vốn có của họ và cũng do lối sống, ăn uống một cách có khoa học. Tại Hà Lan các bố mẹ luôn tập cho con những thói quen lành mạnh để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển tốt nhất, họ mong muốn con cái mình có ngoại hình cao ráo, cân đối.

Tuy nhiên, xã hội Hà Lan ngày càng có tập trung nhiều người đến từ các nền văn hóa khác nhau, vì vậy bạn sẽ bắt gặp nhiều ngoại hình khác nhau lớn bé, cao thấp, nhất là ở các thành phố lớn hoặc nơi đông dân cư (các khu ổ chuột, khu du lịch – người nước ngoài sinh sống…) 

2. Trang phục

 Khi bạn gặp một người Hà Lan, thật khó để nhận xét về địa vị hay khả năng tài chính thông qua vẻ bề ngoài của họ. Một nguời đàn ông đi một chiếc xe đạp cũ, mang một đôi giày cũ và đội một cái mũ ngộ nghĩnh có thể là một người quét dọn, mà cũng có thể là một giáo sư. Một phụ nữ với đôi giày cao gót và bộ vest lịch sự có thể là một nữ quản lý, lại cũng có thể là nhân viên dọn bàn trong một quán ăn.

 Vậy phong cách ăn mặc của người Hà Lan là như thế nào? Thực tế, đa phần người dân Hà Lan không chạy theo thời trang. Họ thích ăn mặc sao cho thoải mái, thuận tiện chứ không quá coi trọng hình thức. Thị hiếu thời trang của họ mang tính cá nhân chứ không mang tính hình thức, và nhìn chung khá giản dị. Dù là đi xem hoà nhạc, kịch hay khiêu vũ thì mọi người đều ăn mặc hết sức bình thường, miễn sao họ cảm thấy thoải mái là được. Chỉ trong những ngày lễ, ngày đặc biệt hay cơ quan chính phủ, người ta mới mặc vest, đeo cà vạt mà thôi.

trang-phục-truyền-thống-hà-lan

Trang phục truyền thống của người Hà Lan

3. Làm việc theo kế hoạch

Người Hà Lan luôn làm việc theo một thời khóa biểu khá nghiêm túc. Chẳng hạn, nếu bạn bất ngờ mời họ ghé quán bar sau giờ làm việc thì họ có thể sẽ chần chừ vì bữa ăn tối ở nhà sẽ được dọn lên bàn vào đúng 6 giờ 30.

 Hầu hết người Hà Lan luôn đặt kế hoạch cho những hoạt động của họ trước một khoảng thời gian dài và ghi chép chúng trong cuốn nhật ký bỏ túi. Ngay cả những đứa 12 tuổi trở lên cũng đã bắt đầu thói quen đó. Tại Hà Lan nó được gọi là “nhật trình” và bạn có thể viết vào đó tất cả những cuộc hẹn của bạn.

 Kết quả của thói quen này là họ cân đối được thời gian của bản thân, biết ưu tiên và loại bỏ những cuộc hẹn không cần thiết, hành động đó giúp họ giành nhiều thời gian cho gia đình và bản thân họ hơn. Đây là một lối sống rất đáng học hỏi mà nhiều bạn trẻ Việt Nam Đang hướng đến.

Bởi vậy, một lời khuyên cho bạn là đừng bao giờ đến trễ trong một cuộc hẹn! Người Hà Lan cực kỳ thích sự đúng giờ, đối với họ nếu ai không đúng giờ thì người đó không đáng tin tưởng và được coi là đang không tôn trọng đối phương. Vậy nên nếu bạn làm việc và sinh sống tại Hà Lan, hãy lưu tâm đến vấn đề giờ giấc nhé.

con-người-hà-lan.png

4. Tôn trọng sự riêng tư

 Trên tàu hỏa, dù rất đông nhưng nếu không quen nhau thì người Hà Lan hiếm khi nói chuyện với nhau. Khi bạn hỏi người ngồi đối diện điều gì đó, bạn có thể nhận được một câu trả lời cộc lốc, nhưng cũng có thể là một nụ cười và sự đáp lại nhiệt tình. Khi ấy, bạn sẽ nhận ra rằng người Hà Lan không phải là không thân thiện, mà đơn giản họ chỉ cần một ai đó hay một điều gì đó phá bỏ đi cái không khí dè dặt ban đầu.

 Người Hà Lan luôn tôn trọng sự riêng tư của người khác, ví dụ như những người nổi tiếng thì có thể đi lại khá thoải mái ở những nơi công cộng mà không bị quấy rầy. Người ta có thể nhận ra những nhân vật quan trọng hay những chính khách trên đường phố, nhưng đa số mọi người ngại tiếp cận họ để nói chuyện. Nữ hoàng Beatrix thỉnh thoảng sẽ đi mua sắm tại các cửa hàng trong thành phố, và các con trai bà cũng có một cuộc sống bình thường như những người khác.

5. Thẳng thắn

 Người Hà Lan luôn mong muốn ở đối phương sự tự nhiên và thành thật. Có nghĩa là, lời nói hay hành vi của họ luôn dễ hiểu, và khi nói chuyện họ cũng có thể trả lời ngay mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều.

 Nhưng nếu sự tự nhiên đi quá xa và người nói không quan tâm đến cảm giác của người nghe thì họ sẽ bị coi là cố ý, và như thế lại là không tốt. Tuy nhiên, nhìn chung người Hà Lan đều hết sức thẳng thắn và ít khi họ cảm thấy bị xúc phạm. Vì thế nếu bạn giật mình trước câu nói của một ai đó, hãy nhớ rằng có thể họ không có ý bất lịch sự. Và khi bạn đã quen với cách nói chuyện như vậy, có lẽ bạn sẽ nhận thấy rằng thói quen thẳng thắn của người Hà Lan sẽ dễ chịu hơn các cách nói chuyện tế nhị mà bạn không hiểu nổi.

 Bạn hãy là người chủ động nếu bạn cần giúp đỡ, hãy nói bạn cần cái gì và bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của họ. Có thể nói người Hà Lan sẽ rất thân thiện, hào phóng và sẵn sàng giúp đỡ. Nói chung, bạn hãy thẳng thắn nói ra điều bạn nghĩ khi tiếp xúc với họ. Đừng mong họ tìm hiểu hàm ý sau những lời nói của bạn.

6. Bình đẳng

 Trong đối thoại, người Hà Lan không vì tuổi tác hay địa vị của người nghe mà sử dụng cách nói trịnh trọng. Thanh niên nói thẳng những điều họ nghĩ mà không cần che đậy bằng một sự cung kính nào. Thực tế họ không có ý đối nghịch, đó chỉ là thẳng thắn mà thôi. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nghe Thủ tướng được phỏng vấn trên truyền hình như thế nào. Người phỏng vấn coi Thủ tướng hoàn toàn bình đẳng, đặt ra những câu hỏi hóc búa và nhận được câu trả lời với sự thẳng thắn tương tự. Nhưng giọng nói trong trường hợp này rất cởi mở chứ không hề mang thái độ tiêu cực hay đối nghịch.

 Người Hà Lan ghét những kẻ thích phô trương, những kẻ muốn thế giới nghĩ rằng họ giàu có hơn, thông minh hơn hay tài năng hơn người khác. Ở Hà Lan, người giàu có muốn tránh sự chú ý. Một người tặng bạn bè những món quà quá phô trương có thể bị coi là khoe khoang chứ không phải được coi là một người hào phóng.

7. Không cạnh tranh

 Người Hà Lan có xu hướng ít cạnh tranh hơn so với những người phương Tây khác. Trong quan hệ, mọi người không phân biệt thứ bậc một cách rõ rệt lắm. Cách làm việc theo nhóm và thống nhất với nhau được đánh giá cao. Một người cố gắng làm việc để trội hơn người khác sẽ bị coi là “một nghệ sĩ đơn độc” (‘solo artist’) và sẽ bị loại trừ khỏi nhóm.

 Rất nhiều sự kiện thể thao ở Hà Lan diễn ra không mang tính ganh đua. Người ta tổ chức đi bộ, chạy, bơi…ở một địa điểm nào đó vào một ngày nhất định. Và tất cả những người tham gia mà hoàn thành chặng đua đều nhận được huy chương. Không ai thắng ai trong những sự kiện như thế. Niềm vui lớn nhất là đạt được cái đích do chính mình đề ra.

 Những nét tiêu biểu của người Hà Lan là luôn nghiêm túc, hoà nhã. Thực sự bạn rất ít gặp những cảnh ai đó tức giận quá hay hồ hởi quá. Tuy nhiên có một nét đặc biệt trong văn hóa Hà Lan, và bạn sẽ rất may mắn nếu có được cảm giác đó, đó là bầu không khí thân thiện khi con người hoà nhập vào thế giới xung quanh mình. Và tính không ganh đua khiến cho bầu không khí này càng dễ chịu hơn.

8. Khen và chê

 Người Hà Lan có thói quen tự đánh giá bản thân qua ý kiến của chính mình chứ không phải thông qua ý kiến của người khác. Với họ, lời khen không quan trọng và bạn ít khi nghe được những lời tán dương của họ. Họ cũng ít khi đưa ra các lời bình phẩm. Một người mà luôn miệng khen ai đó hay bình phẩm này nọ sẽ bị coi là kẻ xu nịnh, không thật thà hoặc ngớ ngẩn. Những lời phê bình thường xuất phát từ những người hiểu biết, và khi bạn quen với điều này thì bạn sẽ thấy những lời chê lại rất có ích cho bạn. Do vậy, nếu bạn có phê bình ai đó thì cũng đừng lo mình đang xúc phạm đến họ. Người Hà Lan sẽ có thể tranh luận với bạn, nhưng họ sẽ không cảm thấy bị xúc phạm.

9. Thói quen tự thanh toán

Có một thói quen của người Hà Lan khi cùng vào tiệm ăn hay quán cà phê, đó là mọi người tự thanh toán phần chi phí của mình, và điều này hết sức bình thường ở đây. Nếu bạn là người nước ngoài, và có một người Hà Lan mời bạn đi ăn, khi họ có ý định thanh toán cả phần tiền của bạn, họ sẽ nói rõ cho bạn ngay từ đầu rằng bạn là khách mời. Còn nếu không, thì tốt nhất bạn nên tự thanh toán phần của mình.

Nếu sau một bữa ăn của một nhóm người, người phục vụ mang ra tờ hóa đơn thanh toán thì một trong số họ sẽ đọc to phần tiền của từng người lên, và không ai cảm thấy khó xử vì điều này cả. Nếu lúc ấy mà một người tuyên bố trả tiền cho tất cả thì quả là bất bình thường. Còn nếu một ai đó thanh toán hóa đơn bằng thẻ tín dụng thì những người còn lại sẽ trả lại cho anh ta bằng tiền mặt theo hóa đơn của bản thân.

thói quen tự thanh toán hà lan.png

 

Đến với đất nước phô mai, bạn không chỉ được chiêu đãi bởi những phong cảnh, vẻ đẹp nổi tiếng thế giới, mà còn được cảm nhận sức sống năng động, giản dị, gần gũi, thẳng thắn của người dân nơi đây. Có lẽ vì những điều đó, không ít các bạn du học sinh, thực tập sinh Việt Nam đã gắn bó với mảnh đất xinh đẹp này lâu đến thế. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về văn hóa và phong cách sống của con người Hà Lan, có thêm tình yêu, động lực để đến với xứ sở tuyệt vời này và tránh tình trạng bị “sốc văn hóa” nhé.

Nếu bạn muốn tự mình trải nghiệm và khám phá thêm nhiều điều thú về con người Hà Lan, hãy liên hệ với IEEP để giành ngay một suất thực tập và làm việc tại đất nước thơ mộng này.

 

 

Thông tin liên hệ & hỗ trợ tư vấn:

TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ VÀ TƯ VẤN DU HỌC IEEP

Trụ sở chính: Phòng 102 - Tòa nhà C6 -Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên
Fanpage: Ngoại ngữ và Du học  - IEEP
Hotline: 02083 900 879 | 0963 900 879 
Email: daotao.ieep@gmail.com | Zalo: 0963 900 879 (IEEP CENTER)

Chia sẻ:

Bài viết cùng chuyên mục
Facebook
(8h-24h)
0963.900.879
(8h-24h)
02083 900 879
(8h-24h)